LIỆU BẠN CÓ ĐANG LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH?
Với những câu chuyện khó nói, những câu chuyện khó tìm được người lắng nghe để kể, bạn sẽ làm gì?
Lắng nghe và chia sẻ là 2 keyword rất quan trọng trong các mối quan hệ cuộc sống. Và thường thì những người có tính cách hướng nội sẽ là người lắng nghe nhiều hơn, và ngược lại, những người có tính cách hướng ngoại sẽ chia sẻ những câu chuyện của họ nhiều hơn.
Nhưng liệu đối với những câu chuyện khó nói, những câu chuyện khó chọn được người lắng nghe để kể, bạn sẽ làm gì?
CẢM XÚC
Lúc trước, mình thuộc tuýp người hướng nội, thích lắng nghe và thỉnh thoảng cũng có chia sẻ. Nói trắng ra là mình rất ngại, rất e dè khi phải bộc lộ, chia sẻ cảm xúc của mình cho những người khác. Một phần vì mình không biết phải thể hiện như thế nào cho đúng, một phần mình cũng không muốn mọi người sẽ nghĩ rằng mình như thế nào…
Một câu hỏi mà chắc hẳn mọi người nghe cũng rất quen thuộc “Chọn con tim hay là nghe lý trí..” Và mình tin không phải chỉ mình mình, mà cũng có rất nhiều bạn có suy nghĩ là chọn LÝ TRÍ mới là lẽ phải.
Chúng ta luôn nghĩ rằng: “Cảm xúc luôn là một thứ gì đó rất bản năng và yếu đuối. Mình không được sống cảm xúc, mình phải trở nên mạnh mẽ”.
Vậy nên, vô hình chung tự chính bản thân chúng ta đã ép chúng ta phải khô cằn cảm xúc, phải gạt hết cảm xúc qua một bên, phải để lý trí thống trị cảm xúc thì mới là tốt. Mà chúng ta không biết rằng, cảm xúc mới là thứ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta hạnh phúc qua từng ngày.
CẢM XÚC NẰM Ở ĐÂU?
Sinh ra và lớn lên trong thời đại của công nghệ phát triển. Tụi mình bỏ quên hết những cảm xúc bên trong. Tụi mình buồn, vui, phẫn nộ theo những tin tức tụi mình lướt trên Facebook; những video mà tụi mình lướt trên TikTok. Chúng ta thờ ơ và bỏ mặc những cảm xúc của người khác, những cảm xúc bên trong bản thân. Để rồi khi gặp những khó khăn và biến cố, những lo âu mà bạn bỏ quên ngày ấy, bạn cất chúng vào một góc, vờ rằng nó không tồn tại và không ảnh hưởng gì tới bạn thì lại là những hòn đá đè nén tâm trí và con tim của bạn khiến bạn không làm gì được.
Đã có một khoảng thời gian, mình nhắn tin với bạn bè qua messenger chỉ dùng những stickers và icon. Mình lười thể hiện cảm xúc qua những câu chữ, vì đơn giản chỉ cần mở bảng stickers ra, nó có hàng ngàn những biểu cảm, tâm trạng khác nhau để mình lựa chọn. Và mình thật sự không cần suy nghĩ cảm xúc lúc đó của mình đang diễn ra như thế nào.
CẢM XÚC CÓ QUAN TRỌNG?
Gần đây mình có tình cờ đọc được một bài báo nói rằng gần 20% dân số của Việt Nam mắc những căn bệnh liên quan đến trầm cảm, đặc biệt là lứa tuổi vị trẻ thành niên. Điều này như một lời cảnh báo rằng hệ miễn dịch tâm hồn hiện nay đang rất quan trọng và cần quan tâm.
Hiểu được cảm xúc sẽ khiến chúng ta trở nên tự tin hơn, chân thật hơn, khám phá được nhiều tiềm năng bí ẩn bên trong mà lúc trước chúng ta chưa hề biết. Điều này sẽ khiến cuộc sống bạn trở nên hạnh phúc hơn bao giờ hết.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH?
Cách tốt nhất để bạn có thể lắng nghe rõ cảm xúc của mình đang nói gì chính là bạn hãy trở về con người chân thật nhất của bản thân, hãy thoát ra khỏi những vai diễn mà bạn đã tự tạo ra để đối diện với cuộc sống xung quanh.
Tập ngồi thiền để cảm nhận những cơn bão cảm xúc đang đến, tâm sự với nó để biết tại sao nó lại sinh ra, học cách tồn tại chung với nó và sau cùng hãy làm chủ nó. Đừng quá khắt khe hay thờ ơ mà bỏ mặc chúng. Chúng ta nên yêu thương kể cả những cảm xúc tiêu cực nhất.
Bên cạnh đó, luyện tập để tương tác với mọi người nhiều hơn: mở lòng ra mình để chia sẻ, tâm sự những chuyện buồn vui. Chấp nhận và nói ra rằng mình đang có vấn đề, mình cần được giúp đỡ. Việc này có lẽ sẽ rất khó khăn cho các bạn hướng nội nhưng mình tin rằng từng bước nhỏ thôi, hãy thong thả thôi, chúng ta sẽ nhận thấy ánh sáng của sự tích cực dần rõ hơn mỗi ngày.
from team